Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

HUYỆN ĐỊNH HÓA TỈNH THÁI NGUYÊN

Ngày làm việc thứ 6, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV: Các đại biểu thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và Luật Thống kê

2021-10-25 16:29:00.0

 

Đại biểu dự phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Trong phiên thảo luận trực tuyến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự là cần thiết, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn chính sách, pháp luật tố tụng hình sự, đảm bảo yêu cầu đòi hỏi của công tác điều tra, xử lý tội phạm với lộ trình hội nhập của đất nước. Các ĐBQH còn tham gia thảo luận về các nội dung liên quan đến bổ sung trách nhiệm cho công an xã trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm; bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án… Liên quan đến các vấn đề đại biểu nêu, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tiếp thu, giải trình tại phiên thảo luận.

Thảo luận tại tổ về Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), các ĐBQH tỉnh Thái Nguyên thống nhất cho rằng cần sửa đổi pháp luật về kinh doanh bảo hiểm vì Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được ban hành từ 20 năm trước, nhiều vấn đề đã không còn phù hợp với xã hội hiện nay và có ảnh hưởng, tác động rất lớn với người dân; chất lượng nhiều loại bảo hiểm chưa cao, gây phiền hà, khó khăn cho người tham gia bảo hiểm khi thực hiện thanh toán…. nên việc Quốc hội quyết định ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) là rất cần thiết.

Các ĐBQH tỉnh Thái Nguyên thảo luận tại tổ

Đại biểu cũng đề nghị một số vấn đề như: Cần rà soát các quy định trong Luật để phù hợp với các luật khác, đặc biệt là pháp luật dân sự; cần ban hành hợp đồng mẫu đảm bảo ngắn gọn, đúng quy định của pháp luật; các thủ tục thanh toán cần nhanh gọn, thuận lợi, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, để bảo hiểm phát huy được mặt tích cực, nhân văn vốn có. Các công ty kinh doanh bảo hiểm cần cụ thể hóa các điều kiện tham gia và hưởng bảo hiểm để tránh gây khó khăn cho người tham gia. Cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm cần ban hành các văn bản hướng dẫn về cơ chế chính sách, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm.

Chiều cùng ngày, các đại biểu Thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Các đại biểu nhất trí cho rằng, qua hơn 5 năm thực hiện Luật Thống kê đến nay đã phát sinh nhiều vấn đề đòi hỏi phải đổi mới công tác thống kê, đó là Việt Nam hội nhập sâu, rộng hơn, công tác thống kê, chỉ tiêu thống kê cần phải tương thích, phù hợp với thông lệ quốc tế, diễn biến của đời sống kinh tế - xã hội diễn ra nhanh, phong phú hơn nên cần phải thông tin kịp thời hơn để phục vụ hoạch định chính sách, quản lý điều hành nền kinh tế, đặc biệt cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc đổi mới mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các đại biểu cũng cho rằng công tác thống kê cần thống nhất, không trùng lặp, chồng chéo, đồng thời phải bảo đảm trung thực, khách quan, chính xác. Ngoài ra, các ý kiến còn tập trung vào danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo dự thảo Luật, trong đó chú ý về nguyên tắc xây dựng danh mục; tiếp tục đánh giá kỹ các tác động về điều kiện nguồn lực, tài chính nhằm bảo đảm việc thực thi Luật có hiệu quả…

Sau khi nghe các ý kiến của đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu giải trình, làm rõ tại Phiên họp.

Ngày mai (26/10), các ĐBQH tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Thanh Mai
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 2060212